Lê Thanh Thảo là học sinh lớp 12 tại một trường THPT ở Nghệ An, vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trước đó, trong quá trình chọn ngành, chọn trường đại học, cô liên tục được bạn trai động viên... đừng học đại học.

Thảo cho biết, bạn trai lớn hơn cô 6 tuổi là người cùng quê. Anh là cử nhân tốt nghiệp tại một trường đại học cách đây hai năm nhưng ra trường khó kiếm việc làm.

Nhiều cử nhân gác bằng đại học để chạy xe công nghệ, làm shipper mưu sinh (Ảnh minh họa: Hoài Nam).

Ngoài Thảo ra, gia đình bạn trai không ai hay biết lâu nay, nam cử nhân làm shipper kiếm sống và chờ cơ hội việc làm mới. Anh đã từng nghĩ đến phương án về vay tiền để đi xuất khẩu lao động như các thanh niên học hết cấp 2, cấp 3 ở quê.

Anh chàng shipper phân tích với người yêu, học đại học rất tốn kém, chi phí thấp nhất một năm cũng hết 70-80 triệu đồng, quá khả năng của gia đình Thảo. Sinh viên vừa học vừa đi làm thêm kiếm tiền trang trải chi phí là việc không đơn giản.

Là người trải nghiệm thực tế, anh nói với cô gái rằng học đại học giờ đây không đảm bảo ra trường có việc làm. Không chỉ thị trường việc làm khó khăn mà còn là thực trạng học đại học không đồng nghĩa với việc giúp sinh viên đủ năng lực đáp ứng nhu cầu thực tế.

Người yêu Thảo gợi ý, cô khéo tay, thích lĩnh vực nghệ thuật, lãng mạn, nếu cần có thể vào TPHCM học cắm hoa hoặc pha chế. Tìm cho mình cái nghề trước, đi làm kiếm tiền rồi học đại học sau.

Một nam cử nhân tốt nghiệp đại học tìm hiểu để đi du học nghề ở nước ngoài với hy vọng kiếm được việc làm, thu nhập (Ảnh: Hoài Nam).

Thanh Thảo thấy bạn trai nói cũng có lý. Cô nhìn thấy xung quanh mình nhiều người có bằng đại học nhưng thất nghiệp, về đi xuất khẩu lao động hoặc chật vật làm những công việc không liên quan. Nhưng cô nữ sinh cũng tiếc nếu không học đại học.

"Em tin mình sẽ đỗ vào trường đăng ký nhưng có theo học đại học hay không, em sẽ cân nhắc thêm", cô nữ sinh cho hay.

Đậu đại học nhưng không học

"Đừng học đại học" có lẽ không chỉ là lời khuyên của nam cử nhân làm shipper dành cho bạn gái mà đó đã là lựa chọn của không ít học sinh, gia đình gần đây.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, dựa trên chỉ tiêu tuyển sinh, năm 2023 có tỷ lệ thí sinh nhập học đại học, cao đẳng sư phạm thấp nhất trong giai đoạn 2020-2023.

Dựa trên chỉ tiêu tuyển sinh, năm 2023 có tỷ lệ thí sinh nhập học thấp nhất trong giai đoạn 2020-2023 (Ảnh: Chụp lại báo cáo của Bộ GD&ĐT).

Cụ thể, tính trên tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2023 là 663.063 nhưng chỉ có 546.686 thí sinh (chiếm 82,45%) trúng tuyển nhập học. Ba năm trước đó, tỷ lệ nhập học/chỉ tiêu dao động từ 83,39% đến 94,08%.

Như vậy, có không ít thí sinh trúng tuyển đại học nhưng chọn... không đi học.

Báo cáo từ Ngân hàng thế giới tại Việt Nam (World Bank), Việt Nam có tỷ lệ nhập học đại học, cao đẳng thấp nhất trong các nước Đông Á giai đoạn 2020-2022.

Theo báo cáo này, áp lực học phí, các trường đại học ở Việt Nam phụ thuộc nhiều vào học phí trở thành rào cản tiếp cận giáo dục đại học của nhiều học sinh.

Cụ thể, năm 2017, học phí chiếm đến 57% trong nguồn thu của các trường đại học công lập ở Việt Nam, đến năm 2021, tiền thu học phí chiếm 77% nguồn thu.

Trong khi, hỗ trợ tài chính cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn còn hạn chế như phạm vi bao phủ thấp, giá trị nhỏ và điều khoản trả nợ kém hấp dẫn; không có chương trình học bổng cấp quốc gia; chương trình vay hỗ trợ học tập khó tiếp cận...

Bên cạnh vấn đề học phí, phó hiệu trưởng một trường đại học ở TPHCM cho hay hình ảnh cử nhân ra trường đi chạy xe công nghệ, làm shipper, giúp việc nhà... quen thuộc gần đây ít nhiều tác động đến lựa chọn học đại học của học sinh.

Tình trạng nhiều cử nhân không có việc làm, không đáp ứng được yêu cầu của thị trường làm lung lay niềm tin vào con đường đại học hơn bao giờ hết.

"Những năm nay khi đi tư vấn tuyển sinh, tôi gặp rất nhiều câu hỏi "có nên học đại học". Làm công tác tuyển sinh đại học, tôi trả lời theo hướng khuyến khích các em học đại học.

Khi về ngẫm nghĩ lại, tôi không chắc mình có đang cho các em lời khuyên đúng đắn không. Giờ ai cũng đỗ đại học nhưng đại học không dành cho tất cả", nhà quản lý này cho hay.

Riêng trường hợp nữ sinh nhận được lời khuyên "đừng học đại học" từ bạn trai, vị phó hiệu trưởng nêu quan điểm, điều chàng trai nói không phải không có lý.

Nhưng cô gái cần có sự tự chủ, cân nhắc lựa chọn dựa trên nhiều yếu tố, điều kiện. Bên cạnh đó cũng cần xem xét bạn trai có phải là người gia trưởng, mang tư tưởng phụ nữ không cần học lên hay không.

Việt Nam vẫn là thị trường thiếu lao động trình độ có tay nghề trầm trọng. Theo thông tin từ Bộ Lao động - Thương binh&Xã hội, năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo tại Việt Nam đạt khoảng 68%. Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt khoảng 27-27,5%.

Hướng đến nguồn nhân lực chất lượng cao là việc của mỗi các nhân, của bất cứ nền giáo dục, đất nước nào.

Học sinh ở TPHCM trong chương trình tư vấn tuyển sinh đại học (Ảnh: Hoài Nam).

Theo ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công thương TPHCM, giờ đây ai cũng có khả năng đỗ đại học nhưng quan trọng hơn là học trường nào, môi trường đó có giúp sinh viên phát huy năng lực và đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động hay không....

"Có nên học đại học?" là một câu hỏi nghiêm túc dành cho tất cả. Phía sau đó, phải nói đến trách nhiệm trong đào tạo giáo dục đại học.